Đội tuyển Việt Nam: Hành trình chinh phục đỉnh cao
Sau hơn tám tháng dưới sự dẫn dắt của “kiến trúc sư trưởng” Nguyễn Hữu Thắng, đội tuyển Việt Nam thắng 10 trận, hòa bốn trận, thua một trận; kết quả khá ấn tượng. Nhà cầm quân xứ Nghệ đã “thổi” vào đội bóng diện mạo mới với phong cách tiến công đa dạng hơn, cùng triết lý kiểm soát bóng, chứ không chơi thứ bóng đá phòng ngự - phản công, sử dụng nhiều đường chuyền vượt tuyến như thời HLV T. Miura.
Theo những số liệu phần mềm InStat cung cấp, trước các đội Iraq, Syria, Indonesia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), tỷ lệ kiểm soát bóng của đội tuyển quốc gia luôn ở mức 53-54%. Sự có mặt của Xuân Trường, Tuấn Anh, Hoàng Thịnh giúp hàng tiền vệ chơi linh hoạt, hiệu quả hơn. Số đường chuyền các cầu thủ thực hiện là hơn 480 lần/trận, với tỷ lệ chính xác từ 80 đến 85%.
Tuy nhiên, khi một hoặc hai người trong bộ ba này không ra sân thì tuyến giữa của chúng ta đá khá chệch choạc. Hai bàn thua trong trận giao hữu gặp Indonesia tại sân vận động Mỹ Đình mới đây là một minh chứng. Khi đội chủ nhà tổ chức tiến công với số đông cầu thủ ở phần sân đối phương, bị mất bóng, tuyến hai đã không kịp lùi về hỗ trợ hàng thủ, để mũi nhọn đội bạn ghi bàn. Cặp tiền vệ trung tâm hoạt động chưa nhịp nhàng, ăn ý. Hạn chế này chứng tỏ việc vận hành lối chơi từ tiến công sang phòng ngự và ngược lại chưa hợp lý.
Ở tuyến dưới, phương án thử nghiệm cặp trung vệ Tiến Thành và Đình Luật cũng có những sai số trong việc phối hợp bọc lót và băng cắt. Đây là “bài toán” khiến ông Hữu Thắng khá âu lo nếu Ngọc Hải bị chấn thương hay thẻ phạt. Bởi tính đồng bộ trong phòng ngự rất quan trọng, nhất là các tình huống pressing, cùng áp sát hoặc cùng lùi. Hai trung vệ và thủ môn có chơi tốt cũng không thể giữ sạch lưới nếu các cầu thủ tuyến trên không biết cách phòng ngự.
Đôi khi sai lầm của trung vệ hay thủ môn xuất phát từ yếu kém ở khâu phòng ngự từ xa. Hai tiền đạo Công Vinh, Văn Toàn phối hợp khá ăn ý, “nổ súng” thường xuyên, song bộ đôi này qua những chỉ số “tắc” bóng và tranh chấp thành công vẫn ở mức thấp, tạo thời cơ để đối thủ lên bóng nhanh uy hiếp khung thành đội nhà.
Bên cạnh đó các tuyển thủ ở hai tuyến trên vẫn chưa tận dụng được cơ hội từ những pha đá phạt. Chắc chắn ban huấn luyện đã nhìn ra những khiếm khuyết này và có điều chỉnh để khắc phục.
Nhìn tổng thể, đoàn quân của HLV Hữu Thắng đang đi đúng hướng, Bóng đá hiện đại luôn luôn thay đổi và các nhà vô địch gần đây đều có những bệ phóng là cách thức tổ chức lối chơi và sự chặt chẽ ở hàng phòng ngự. Chiến lược gia Hữu Thắng hiểu hơn ai hết điều này vì từng là “lá chắn thép” của đội tuyển năm xưa và có lẽ ông cùng các học trò sẽ phải chuẩn bị nhiều phương án để hàng hậu vệ đá chắc chắn, kín kẽ, đồng thời có những “miếng đánh” lợi hại, bất ngờ mới mong có thể tiến xa tại giải năm nay, đáp ứng kỳ vọng người hâm mộ.
Theo lịch thi đấu, ngày 20-11, đội tuyển Việt Nam sẽ đọ sức với đội chủ nhà Myanmar trong trận ra quân. Với tư cách là chủ nhà, họ chuẩn bị rất kỹ, tỏ rõ quyết tâm cao. Thầy trò HLV Gerd Zeise đã có chuyến tập huấn kéo dài sáu tuần tại châu Âu, tập luyện và thi đấu giao hữu với một số CLB của Hà Lan, Bỉ và Italia, cho nên trình độ được cải thiện đáng kể. “Thiên thần trắng” (biệt danh của đội Myanmar) là tập thể kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm; đá phòng ngự - phản công rất khó chịu. Họ vừa hòa 0-0 trong trận tập huấn trước giải với Indonesia. Sau trận đấu, HLV Alfred Riedl của đội tuyển xứ Vạn đảo thừa nhận Myanmar chơi tốt, họ mạnh hơn nhiều so với Malaysia (thua Indonesia 0-3). Với các trụ cột: Kyaw Zin Phyo, Ko Ko Thein, Yan Aung Kyaw, Ye Ko Oo, Aung Thu, mục tiêu của đội Myanmar là giành quyền đi tiếp vào vòng sau. Việc “bỏ túi” ba điểm trong trận này là nhiệm vụ khó khăn đối với Công Vinh và các đồng đội.
Ngày 23-11, đội Việt Nam đá trận thứ hai với địch thủ Malaysia. Đây là đối thủ có nhiều “duyên nợ” ở cấp độ các đội tuyển của chúng ta. Do cúp quốc gia Malaysia vừa kết thúc, nên đội tuyển nước này mới hội quân đầy đủ. HLV Ong Kim Swee cơ bản hiện có lực lượng ưng ý (do chấn thương, tiền vệ Basharuddin phải vắng mặt, hậu vệ trái Khuzaimi khó tham dự giải), nhưng trong đội hình của những “chú hổ Malaysia” vẫn sở hữu nhiều gương mặt ấn tượng khác như: Nazirul, Bakhtiar, Bakri, cùng các cựu binh dày dạn kinh nghiệm: Talaha, Safee, Razak. Họ thường đá với sơ đồ 4-4-2, tốc độ, kỹ thuật. Cuộc quyết đấu này mang ý nghĩa quyết định với cả hai đội. Muốn giành quyền đi tiếp, đội tuyển Việt Nam phải giành chiến thắng. Hy vọng các học trò của HLV Hữu Thắng sẽ đạt hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Ba ngày sau, các chàng trai áo đỏ (màu áo của đội tuyển Việt Nam) sẽ tỷ thí với đội bóng được coi là yếu nhất bảng Campuchia. Mặc dù có tiến bộ trong thời gian qua, song theo các chuyên gia nhận định, đội tuyển của đất nước Chùa tháp khó có thể làm nên điều bất ngờ. Dự đoán, hai đội Việt Nam và Myanmar sẽ vào bán kết.
Đó là ở bảng B, còn ở bảng A, với thực lực vượt trội xem ra một vé vào vòng bốn đội sẽ thuộc về nhà đương kim vô địch Thái-lan. Suất còn lại là cuộc tranh đua giữa ba đội Philippines, Singapore và Indonesia. Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, liệu những V. Hartmann, S. Schröck, D. Sato, Younghusband sẽ giành tấm vé còn lại ? Chúng ta hãy chờ xem.
Lương Xuân Trường, tiền vệ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam.